Trở thành công dân toàn cầu là một trong số các mục tiêu hướng tới của những du học sinh Việt Nam có nhu cầu xin thường trú Úc (Permanent Residency - PR).
‘Tiến thoái lưỡng nan’
Như Bay Vút đã đề cập ở những kì trước, PR được các sinh viên quốc tế tại Úc, trong đó có Việt Nam, coi như một ‘tấm vé’ quan trọng giúp họ có cơ hội định cư lâu dài và trở thành công dân Úc.
Trong bối cảnh nước Úc ngày càng thắt chặt chính sách nhập cư và dường như các cơ hội PR trở nên rất ‘xa vời’ như hiện nay thì có một số sinh viên Việt Nam bị rơi vào tình huống ‘tiến thoái lưỡng nan’ bởi Bộ Nhập cư và Quốc tịch Úc (DIAC) ngày càng nâng cao yêu cầu về cấp bậc đào tạo, kinh nghiệm làm việc, tiếng Anh.... đối với các ứng cử viên xin PR. Trong đó, yêu cầu về điểm tiếng Anh IELTS là một khó khăn lớn nhất với phần lớn sinh viên Việt Nam, đặc biệt là đối với các sinh viên học nghề (VET).
Theo DIAC, chỉ có những sinh viên nào đạt 7.0 tiếng Anh IELTS trở lên (không môn nào dưới 7) thì mới được cộng điểm để xin PR. Đây được coi là một ‘cửa tử’ với hầu hết các sinh viên VET bởi theo nhận định của ông Anthony Lee, Giám đốc Công ty Tư vấn luật OSANA thì các sinh viên VET thường có trình độ tiếng Anh thấp hơn so với các sinh viên đại học và cao học.
Lam, một du học sinh ôm ‘mộng PR’ đã quá chán nản với việc thi đi thi lại tới... 7 lần mà không thể nào đạt được 7.0 điểm IETLS cho tất cả các môn.
“Bên cạnh việc tốn kém, tôi cảm thấy rất mệt mỏi và áp lực. Tôi quyết định sẽ cố thi thêm lần cuối, nếu không được thì về nước luôn để khỏi mất thời gian”, Lam chia sẻ.
Bí quá hóa... liều
Vì luật PR mới quá khó nên một số ít du học sinh Việt Nam muốn có PR ‘bằng mọi giá’ tìm cách ‘lách luật’ để gia tăng hy vọng đạt ý nguyện.
Q., một cựu sinh viên kế toán, hiện đang làm việc cho một công ty nội thất tại Úc, thương lượng được với chủ doanh nghiệp này làm giấy tờ bảo lãnh giả cho mình để xin visa việc làm (working visa loại 457) bởi đây là một trong những giải pháp hiệu quả nhất và có thể đảm bảo chắc chắn cho ‘tấm vé’ PR của các sinh viên quốc tế.
Đổi lại, Q phải trả tới 40.000 đô-la tiền ‘phí’ cho chủ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vì công ty phải trả Q. một mức lương cao hơn so với mức lương thực tế của Q. thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu của DIAC nên giữa Q. và chủ doanh nghiệp cũng hình thành một thỏa thuận ‘ngầm’. Theo đó, trong tương lai, Q. phải có nghĩa vụ hoàn trả cho chủ doanh nghiệp toàn bộ số tiền chênh lệch mà công ty đã phải bỏ ra trong suốt thời gian bảo lãnh Q.
Bên cạnh đó, một số lượng nhỏ du học sinh Việt Nam lại chọn giải pháp kết hôn giả với người có quốc tịch Úc để hợp pháp hóa cuộc sống tại đất nước này. Tuy nhiên, họ sẽ phải chi trả một khoản phí không hề nhỏ, có thể từ 50 - 80 ngàn đô-la, cho vợ/chồng ‘hờ’ của mình.
M., một nam sinh viên, ‘bật mí’ đã tìm được một đối tượng đồng ý làm giấy tờ bảo lãnh giả cho M. và hiện tại cả hai đang gấp rút tìm cách tạo ra một số bằng chứng thuyết phục về mối quan hệ của mình như chụp ảnh đi chơi chung, ăn uống cùng nhau, gửi thiệp chúc mừng, email cho nhau.... và thậm chí là sẽ phải tiến hành một đám cưới để DIAC tin rằng cuộc hôn nhân này dựa trên cơ sở tình yêu chứ không phải vì... PR.
Theo nhận định của chuyên gia tư vấn di trú, việc ‘lách luật’ hoặc cố tình làm trái luật như trên có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc, nhất là đối với những trường hợp kết hôn giả.
“Việc kết hôn giả với người có quốc tịch Úc là hoàn toàn vi phạm pháp luật và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị phát hiện. Hơn nữa, đây không phải là giải pháp có thể đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ có PR bởi khi xét duyệt những hồ sơ theo diện này thì DIAC sẽ xem xét rất kĩ lưỡng để có đủ chứng cứ thuyết phục về mối quan hệ thành thật và lâu dài của các đôi trai gái”, Luật sư Tạ Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Di trú MPA (Melbourne) cho biết.
Trên thực tế, bằng cách kiểm tra đột xuất, thẩm vấn các cặp vợ chồng trong diện nghi vấn vào cùng một thời điểm tại hai nơi riêng biệt, trong những năm vừa qua, DIAC đã phát hiện ra nhiều trường hợp kết hôn giả. Theo luật Úc, những đối tượng liên quan đến vấn đề này có thể sẽ phải chịu hình phạt lên đến 10 năm tù và phải trả một khoản tiền phạt lên đến hàng trăm ngàn đô-la Úc.
Ngoài ra, đã có một số trường hợp kết hôn giả bị vợ/chồng ‘hờ’ đòi thêm tiền hoặc ‘xù’ tiền khiến họ rơi vào tình cảnh ‘dở khóc dở cười’ mà không dám lên tiếng tố cáo bởi ‘há miệng mắc quai’.
Trở thành công dân toàn cầu
Trước sự ‘khao khát’ PR của rất nhiều sinh viên quốc tế, một câu hỏi được đặt ra là: “Tại sao du học sinh muốn có PR và PR mang lại lợi thế gì cho họ?”
Trong những loạt bài trước, Bay Vút cho biết trong giai đoạn nước Úc mở cửa nhập cư từ năm 2000 đến giữa năm 2010, có khá nhiều sinh viên Việt Nam xin được PR để định cư lâu dài, trở thành công dân Úc và ổn định cuộc sống, phát triển nghề nghiệp, mua sắm nhà cửa, xe cộ tại đất nước chuột túi.
Một trong những lý do khiến họ chọn Úc làm quê hương thứ hai là vì yêu mến cuộc sống thanh bình, môi trường trong sạch và xã hội văn minh của đất nước này. Bên cạnh đó, với lợi thế về tuổi trẻ, tri thức và vốn tiếng Anh, nhiều cựu du học sinh đang nỗ lực để khẳng định mình trong việc trở thành công dân toàn cầu trong bối cảnh thế giới ‘phẳng’ cùng với sự bùng nổ của công nghệ-thông tin.
Anh Linh Nguyễn, Giám đốc Công ty Tư vấn Du học Mellink vốn là một cựu du học sinh ngành Hệ thống Tin học từ năm 2001-2004. Sau khi học xong, anh đã xin được PR và đăng kí thành lập doanh nghiệp tại Úc vào năm 2007.
“Việc có hai quốc tịch Úc và Việt Nam mang lại nhiều cơ hội hơn cho tôi. Hiện nay tôi thường ‘đi đi về về’ giữa hai nước, vừa kết hợp công việc, vừa là để thăm gia đình. Tôi cũng có hai văn phòng, một ở Úc, một ở Việt Nam và điều đó thuận tiện hơn rất nhiều cho công ty trong việc tiếp cận các em học sinh, sinh viên ở cả hai phía để giúp họ làm hồ sơ du học”, anh Linh chia sẻ.
Chị Gia Nguyễn, một cựu du học sinh Việt Nam, hiện là doanh nghiệp phân phối độc quyền tại Việt Nam cho hãng dược phẩm có tiếng của Úc Nature Pharma cũng cho biết: “Tôi rất nhớ Việt Nam và nếu trở về Việt Nam thì tôi nghĩ mình sẽ có những cơ hội phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên, tôi cũng yêu thích cuộc sống ở Úc. Vì vậy, sau khi học xong tôi luôn suy nghĩ rằng mình sẽ phải kinh doanh một mặt hàng nào đó để có thể đi đi, về về giữa hai nước”.
Với công việc hiện nay, chị Gia luôn có cơ hội được đi về Việt Nam để thỏa ‘nỗi nhớ mong’.
“Tôi tin rằng ở đâu mình cũng sống được. Trong tương lai, nếu công việc kinh doanh ở Việt Nam thuận lợi thì có thể tôi sẽ ở hẳn Việt Nam nhưng đồng thời vẫn sang Úc thường xuyên để làm việc với nhà cung cấp”, chị phấn khởi cho biết.
Còn đối với chị Giang Lê, cũng là cựu du học sinh tại Úc thì một trong những lí do khiến chị yêu thích công việc hiện tại ở Bộ Quốc phòng Úc là vì chị thường được về Việt Nam công tác với tấm hộ chiếu ‘đỏ’ (ngoại giao). Chị nói: “Tôi thấy hiện nay việc đi lại bằng máy bay rất đơn giản và tiện lợi. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ thông tin cũng khiến cho khoảng cách giữa các nước được thu hẹp lại nên cho dù bạn có sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới thì bạn vẫn có thể dễ dàng kết nối và nói chuyện với các thành viên trong gia đình mình hàng ngày”.
Anh Nam Nguyễn, trưởng nhóm kĩ sư, Tập đoàn Xây dựng VDM của Úc lại cho biết sau khi xin được PR, anh đã có tấm hộ chiếu Úc trong tay để thực hiện ước mơ đi du lịch các nước trên thế giới mà không cần phải xin visa. Trong tương lai anh có kế hoạch trở về Việt Nam cống hiến rồi sau đó có thể sẽ sang một số nước khác làm việc cho ‘thỏa chí tang bồng’.
Bay Vút xin kết thúc loạt bài về ‘Nửa thế kỉ du học sinh Việt Nam tại Úc’ ở đây. Bay Vút xin gửi lời cám ơn chân thành đến các cơ quan, tổ chức và các cá nhân đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi hoàn thành trọn vẹn chuyên đề này.
Sưu tầm
0 nhận xét: