Công dân toàn cầu| Cong dan toan cau: Để có những công dân toàn cầu “made in Việt Nam”
đồng hồ online - đồng hồ thời trang nữ - Shop đồng hồ nữ - Đồng hồ nam giá rẻ - dong ho nam day da - đào tạo seo - Đào tạo seo

Để có những công dân toàn cầu “made in Việt Nam”

Không có tấm bằng tốt nghiệp ĐH được công nhận trên phạm vi toàn cầu là thiệt thòi của thanh niên Việt Nam khi hội nhập với thế giới. Nhưng thiếu đi tấm "hộ chiếu" đó, những người Việt trẻ vẫn hoàn toàn có thể trau dồi, rèn luyện và tích luỹ kiến thức, kỹ năng, hình thành thái độ để trở thành những công dân toàn cầu “made in Việt Nam”. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã chia sẻ như vậy. 

Ông nói: “Thực ra, công dân toàn cầu chỉ là một cách nói thôi. Nói đến công dân là nói đến người chủ thì nó phải có một thiết chế toàn cầu hoặc chính phủ toàn cầu, để công dân bầu lên và tác động tới chính phủ đó. Với nghĩa đó thì thế giới mới đang trong quá trình hình thành các thiết chế toàn cầu”. 

6 phẩm chất để vượt khỏi “luỹ tre làng” 

- Nhưng nếu hiểu theo cách phổ thông thì theo ông, một công dân toàn cầu cần có những phẩm chất gì? 

Trước hết, công dân toàn cầu phải có tư duy và tầm nhìn toàn cầu. Phải hiểu được thế giới, thấy được đâu là những vấn đề của nhân loại, đâu là cơ hội, đâu là rủi ro.

Con ếch ngồi dưới đáy giếng thì thế giới chỉ là trong cái giếng và vũ trụ chỉ là vành tròn trên miệng giếng. Cũng như nếu anh ở Việt Nam thì chỉ thấy được luỹ tre thôi. Có thể anh là “dân quê sung sướng” nhưng cũng chỉ trong phạm vi đó.

Nếu có tầm tư duy toàn cầu, anh hiểu được rằng nếu học nghề này, mình có thể làm việc được ở Pháp, ở Anh, ở Đức...

Phẩm chất thứ hai, và cũng là hệ quả của cái thứ nhất là phải có một tư duy và cái nhìn rất mở để chấp nhận và tôn trọng những khác biệt trên thế giới.

Thứ ba là phải cảm nhận và chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề lớn chung của toàn cầu như trái đất nóng lên, khủng bố, khan hiếm lương thực…

Bên cạnh đó, người công dân toàn cầu phải làm chủ được công cụ để tiếp cận thế giới ảo, để chỉ cần qua con chuột và bàn phím mà biết cả thế giới.

Có hai công cụ quan trọng không thể thiếu: Thứ nhất là công nghệ thông tin và truyền thông, mà đặc biệt là internet. Thứ hai là tiếng Anh vì có những vấn đề toàn cầu xuất hiện bằng tiếng Anh trước, nếu không biết tiếng Anh thì không tiếp cận được.

Một yếu tố quan trọng làm nên công dân toàn cầu là nền tảng tri thức và học thuật được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu. Học ĐH ở Việt Nam sang Mỹ không làm việc được thì rất khó thành công dân toàn cầu. Ngược lại, nếu anh có bằng tốt nghiệp từ những trường ĐH có tên tuổi thì gần như đã sở hữu tấm hộ chiếu toàn cầu.

Vì thế, muốn cho càng nhiều người VN trở thành công dân toàn cầu thì phải có nền giáo dục được chấp nhận trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ Việt Nam học ĐH trong nước, có đủ phẩm chất cần thiết thì vẫn được các công ty, tập đoàn nước ngoài tuyển dụng và đào tạo thêm. Khi tạo danh tiếng trong công ty thì làm việc ở đâu cũng được. Như vậy họ có thể thành công dân toàn cầu nhưng phải đi đường vòng.

Cuối cùng, người công dân toàn cầu phải hiểu được toàn cầu hoá không loại bỏ bản sắc riêng. Anh làm toàn cầu trở nên phong phú hơn khi anh đưa bản sắc của dân tộc anh vào. Một người công dân toàn cầu thực sự sẽ bổ sung giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình vào nền văn hoá chung toàn cầu. Công dân toàn cầu và công dân Việt không loại trừ nhau. 

- Theo đánh giá của ông, hiện nay xét trên mặt bằng chung, trình độ của thanh niên Việt Nam đã đạt được mức độ toàn cầu chưa?

Đây là một câu hỏi tương đối khó trả lời. Vì phải có định lượng, không có công cụ để nghiên cứu. Nhưng cứ lấy ví dụ: trong 6000, 7000 người dự tuyển vào hãng Intel, người ta chỉ chọn được vài chục người theo yêu cầu của họ.

Như vậy,có thể nói số lượng công dân toàn cầu đạt được phẩm chất quốc tế rất khiêm tốn. Đó là bức tranh rất đáng băn khoăn về công dân toàn cầu của Việt Nam. 

Thiếu hộ chiếu toàn cầu: có lỗi của người trẻ 

Để có những công dân toàn cầu "Made in Vietnam"

- Bằng tốt nghiệp các trường ĐH ở Việt Nam vẫn chưa được quốc tế công nhận trên phạm vi thế giới. Như ông đã nói, điều này đồng nghĩa với việc giới trẻ Việt thiệt thòi vì thiếu đi tấm hộ chiếu toàn cầu. Nhưng đó đâu phải lỗi của những người trẻ? 

Thực chất thì không hoàn toàn là lỗi của những người trẻ nhưng cần nhìn nhận từ cả 2 phía.

Cũng như người ta nói rằng: “Một dân tộc sẽ có những lãnh tụ như dân tộc đó xứng đáng được có”. Một nửa vấn đề ở lãnh tụ, một nửa vấn đề ở người dân. Dân đòi hỏi, dân có kỹ năng thực hành dân chủ thì người lãnh đạo phải giỏi.

Còn người học biết đòi hỏi, biết mình muốn gì, có những yêu cầu xác đáng với việc dạy chứ không phải bưng ra gì thì học đấy và tìm mọi cách lấy lòng thầy để được điểm theo kiểu “văn hay nhờ tay thầy chấm”. Trong trường hợp như vậy thì hệ thống không có sức ép để thay đổi.

Ở Mỹ, HS được đăng ký thầy dạy nên nếu thầy dạy lơ mơ thì chẳng học trò nào theo học. Ở Việt Nam cũng có một số trường áp dụng hình thức “trò đánh giá thầy”. Học trò cần đánh giá trung thực, công bằng.

Như vậy có lỗi của nền giáo dục, nhưng không nên nói là SV hoàn toàn không có lỗi gì. Tất nhiên, trong hệ thống này thì phần lỗi của SV ít hơn. 

- Vậy ông có lời khuyên cho thanh niên Việt Nam để “sửa lỗi” này? 

Trước tiên phải nhớ rằng học là quá trình hai chiều, một nửa do người dạy, một nửa do người học. Có một số điều mà SV có thể tự trau dồi để trở nên hữu ích trong quá trình hội nhập.

Thứ nhất phải học thật. Đừng học vì điểm mà học để có kỹ năng và trở nên thông tuệ. Học để có kiến thức chỉ là việc rất nhỏ. Học để có kỹ năng thu thập kiến thức là khó hơn. Học để có kỹ năng sáng tạo là quan trọng hơn nữa và học để có kỹ năng xử lý các vấn đề của cuộc sống.

Học để được điểm cao thì có thể trùng với học thật một chút. Nhưng nếu thiết kế hệ thống không chuẩn, đa số nó chẳng có ích cho cuộc sống bao nhiêu. Mà bạn chỉ có chừng ấy thời gian, tâm lực và trí lực, phải xác lập ưu tiên trong việc học để học cái gì hữu ích.

Tiếp theo nữa là phải học cách học và học cách hợp tác, làm việc theo đội (teamwork).

Cũng cần phải học tiếng Anh để có thêm công cụ, không phải chỉ để giao tiếp bình thường và chìa khoá mở tri thức mà còn là công cụ để tư duy.

Một lời khuyên không phải mới mẻ mà tôi chỉ lặp lại của ông trùm Microsoft Bill Gates là kỹ năng đọc rất quan trọng. Tri thức nằm ở sách vở. Nhưng phải có kỹ năng đọc.

Nếu bạn đọc sai lĩnh vực thì sẽ chẳng thu nhận được gì. Đọc để giải trí khác với đọc để tìm thông tin, đọc để suy ngẫm. 

- Còn trách nhiệm, tư duy và tầm nhìn toàn cầu, liệu người Việt trẻ có thể rèn luyện để hình thành được không? 

Những điều này đều xuất phát từ nhận thức. Nếu anh có kiến thức cơ bản về các quy luật tự nhiên và xã hội thì anh sẽ thấy những quy luật đấy gắn kết thế giới lại với nhau.

Nhận thức và tri thức là cơ sở hình thành tầm nhìn toàn cầu. Ví dụ nếu biết việc chạy đến nơi nào có giá lao động rẻ hơn, hàng chảy về nơi nào có giá mua đắt hơn nghĩa là đã có cái nhìn toàn cầu.

Khi có kiến thức thì sẽ hiểu được chuyển động của các quy luật toàn cầu. Ví dụ quy luật của cung-cầu. Chỉ cần khan hiếm thực phẩm là giá tăng. Khan hiếm là do nhiều nơi thấy phát triển công nghiệp có lợi hơn nên bỏ nông nghiệp, do sai lầm đường lối chính sách, thiên tai…

Bên cạnh đó, cần hình thành thói quen giao lưu. Giao lưu ảnh hưởng tới cách suy nghĩ và giao tiếp. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều người nước ngoài nên cơ hội giao lưu không thiếu. Qua internet cũng có thể giao tiếp với họ.

Cũng cần có tầm văn hóa rộng, phải tìm hiểu văn hóa nhiều thì mới có được tầm nhìn toàn cầu.

Nhưng nguyên tắc là tư duy toàn cầu, hành động địa phương. 

Người Việt thoải mái co cụm trong không gian của mình 

- Giới trẻ là đối tượng rất dễ tiếp thu cái mới nhưng đôi khi không có khả năng chắt lọc. Họ hấp thụ ồ ạt văn hoá nước ngoài và xa dần các giá trị truyền thống. Nhiều người lo ngại rằng, với tốc độ toàn cầu hoá nhanh như hiện nay, trong vòng vài chục năm tới, ta sẽ có nguy cơ mất bản sắc văn hóa. Ông có nghĩ vậy không? 

Gần như có một quy luật tự nhiên là có những lứa tuổi thích khám phá cái mới nhưng tuổi càng đằm, càng trở về với cội nguồn. Cũng có những bạn còn trẻ đã thích các giá trị văn hóa truyền thống nhưng không nhiều.

Văn hóa càng cao càng có xu hướng kết hợp hài hòa giữa tinh hoa thế giới và giá trị truyền thống.

Văn hóa càng thấp càng có xu hướng chạy theo những được cho là mốt dù ngay bản thân mình cũng không thích.

Thử nhìn các nước châu Âu là nơi nhất thể hóa gần như không có biên giới, tiêu chung một đồng tiền nhưng người Đức và người Bỉ không bị lẫn vào nhau, người Hà Lan vẫn giữ được bản sắc của mình. Các dân tộc không hề bị xóa nhòa.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy không có chuyện bị xóa bản sắc trong hội nhập. 

- Thế giới hiện nay tồn tại 2 khái niệm: “Sốc văn hóa” và “sốc văn hóa ngược”. Theo ông, liệu công dân toàn cầu có rơi vào những trạng thái sốc này không? 

Sốc văn hóa cũng như sốc thuốc thôi. Sốc là cảm giác tự vệ. Anh không thích nghi được với giá trị mới và muốn yên ổn trong cơ chế cũ nên thấy lạc lõng trong thế giới mới thì anh phản ứng chống lại. Đó là phản ứng tự nhiên của con người.

Khi anh trong môi trường hoàn toàn đóng, bước sang một môi trường hoàn toàn mới thì dễ bị sốc. Nếu anh đã là công dân toàn cầu và có bước chuẩn bị thì sốc vừa phải.

Sốc văn hóa ngược là anh đánh giá lại nền văn hóa của đất nước từ tầm nhìn và kinh nghiệm ở nước ngoài và thấy có nhiều mặt hạn chế trong so sánh nên nhiều khi thấy buồn.

Nếu anh đưa kiến thức hiểu biết nước ngoài về làm việc được ở Việt Nam thì cái sốc đó sẽ qua đi rất nhanh. Trừ trường hợp những thứ anh học ở nước ngoài chẳng sử dụng gì trong đất nước, những kỹ năng học ở nước ngoài trở thành “kỹ năng giết rồng” thì sốc sẽ kéo dài, kết hợp với nhiều cảm xúc khác. 

- Đã đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người trên toàn thế giới, ông có ấn tượng đặc biệt nào về khả năng thích ứng toàn cầu của thanh niên nước ngoài không? 

Khả năng thích nghi của thanh niên ở một số nước tốt hơn một số nước khác. Có hai yếu tố hình thành nên sự khác biệt này.

Thứ nhất là tại gia đình, con cái được dạy dỗ để có tính tự lập từ rất nhỏ. Một đứa trẻ biết đi thì người phương Tây không bao giờ bế nữa.

Nếu đứa bé Việt Nam bị ngã thì bố mẹ sẽ đánh đất vì “cái đất này làm con ngã” nhưng người phương Tây sẽ bảo: “Con đi không cẩn thận thì ngã, lỗi ở con, tại sao còn khóc?” Đây là sự khác biệt rất cơ bản.

Con người nhận trách nhiệm về phía mình. Còn ở Việt Nam thì từ bé đã được dạy cách đổ lỗi cho người khác, khi lớn lên đổ lỗi cho tập thể, cho cơ chế.

Thứ hai là người phương Tây rất thích khám phá. Người Việt cũng chẳng hiểu người dân tộc ở Sapa sinh sống thế nào bằng dân du lịch ba lô. Họ thuê xe mô tô đi khắp ngõ ngách.

Họ thích những kinh nghiệm mới, cảm giác mới nên đối với họ, hội nhập dễ hơn. Còn người Việt mình thì rất thoải mái co cụm trong không gian của mình. 

- Đến khi lớn lên, thanh niên phương Tây lại được hưởng thụ nền giáo dục hiện đại...

Khi lớn lên họ lại được hưởng nền giáo dục tốt, không biến HS thành cái hũ để nhồi nhét kiến thức. Học thì chẳng bao giờ hết sách của “thánh hiền”, quan trọng là khi có vấn đề thì phải “sáng lên”, cố gắng tạo ra tri thức mới. 

Vẫn có cơ hội cho “nông dân toàn cầu” 

- Trong thời hội nhập, ông nghĩ rằng thanh niên nông thôn có nhiều cơ hội trở thành công dân toàn cầu không? 

Điều này phụ thuộc vào nền giáo dục mà thanh niên nông thôn được tiếp cận. Nếu được tiếp cận giáo dục bình đẳng thì cơ hội của thanh niên nông thôn nhiều hơn.

Bản thân người thanh niên phải đeo bám học tập thật đến cùng. Cố gắng đến mức cùng cực để theo đuổi việc học tập. Có thể đi làm thêm, vay tiền để được đi học. Nếu dừng học là cơ hội sẽ đóng lại.

Nhà nước nên có một quỹ nhiều hơn để cho thanh niên nông thôn vay. Cho vay thì tốt hơn cho không vì cho vay sẽ có động lực học tốt để làm được việc có tiền trả.

Thứ hai là cần học suốt đời. Không phải ra khỏi trường ĐH không học nữa. Bill Gates chỉ học ĐH có 2 năm nhưng sau đó tiếp tục học trong quá trình làm việc.

Còn người thanh niên nông thôn dù nuôi tôm thì cũng phải học tiếp nghề nuôi tôm. Học kiến thức qua sách vở, qua những người đi trước, qua kinh nghiệm của chính mình. Không chỉ học mỗi nuôi tôm mà học cách bán tôm, thị trường tôm chuyển động thế nào. Phải học liên tục. Chấm dứt việc học lúc nào thì khả năng thành đạt chấm dứt lúc đó.

Cũng nên nhớ rằng, ở thành phố có nhiều cơ hội hơn chỉ khi anh có kỹ năng và kiến thức cao hơn, nếu không anh chỉ được làm những việc thấp kém. 

- Nhưng quá trình phấn đấu trở thành một công dân toàn cầu của họ sẽ khó khăn hơn nhiều so với thanh niên ở thành phố? 

Khó khăn hơn nhiều nhưng không phải cái đích bắt buộc phải hướng tới.

Người thanh niên chỉ cần trở thành một người sống tự do, làm chủ được cuộc đời của mình, có điều kiện phát triển tiềm năng và ước mơ của mình. Nếu công dân toàn cầu giúp làm phong phú thêm kinh nghiệm sống của mình thì sẽ là bước phấn đấu tiếp theo. 

- Xin cảm ơn ông! 

Lan Hương (Thực hiện)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

My Blog List

Another Templates

Followers

Được tạo bởi Blogger.
can ho vinhomes tan cang